Mình thích hai từ “hoài thương” kinh khủng. Hoài thương là khi ta biết thương một người, thương tới nỗi nhìn thấy cả những điều tốt đẹp và xấu xí của họ mà vẫn thương, lúc nào cũng muốn họ được vui vẻ, bình an, hạnh phúc không phải lo nghĩ hay vất vả điều gì. Hoài thương còn là thương hoài thương mãi, thương tới đến hết cuộc đời vẫn không ngừng thương.

Bài viết này được ra đời mà không nhân dịp gì cả, chỉ là tâm trạng có xíu vui vẻ và muốn viết một chút về hai chữ “hoài thương” mà thôi. Hoài thương chắc là khi mình thương và được thương Nguyệt nhỉ?

Khi search từ khóa “thương là gì” trên Google, mình nhận được kết quả trả về là rất nhiều bài viết xoay quanh chủ đề “Thương là gì và phân biệt giữa Yêu & Thương”. Yêu và Thương chắc có nhiều điều khác nhau nên mới trở thành nguồn cảm hứng bất tận để người ta viết lách, bàn luận tới vậy. Thực ra thì cũng chẳng phải tìm kiếm ở đâu, bản thân mình cũng tự hiểu rằng chữ Thương đã vượt xa hơn chữ Yêu rất nhiều.

Wiktionary tiếng Việt định nghĩa thương là một động từ chỉ tình cảm gắn bó giữa người với người, khi mà ta gắn bó với ai đó và muốn quan tâm chăm sóc cho họ, giống như việc mẹ thương con, ông bà thương cháu, vợ chồng thương nhau… Từ thương cũng là cách chúng ta gọi ai đó mà mình thương hết lòng, giống như kiểu “người thương” (người yêu) vậy á. Thương cũng là cảm giác đau đớn, xót xa khi nhìn thấy một ai đó lâm vào hoàn cảnh bất hạnh khổ sở, giống như việc ta thương người gặp hoạn nạn hay kém may mắn hơn mình, vậy nên mới có từ đáng thương là vậy.

Tình thương lớn nhất, quý giá nhất và gần gũi nhất mà chúng ta được nhận và được trao đi đó chính là tình thương của gia đình. Một đứa nhỏ từ khi còn là phôi thai ở trong bụng mẹ đã được thương nhiều vô cùng, mẹ thương con khi con chỉ là cục máu nhỏ xíu xiu bám vào tử cung của mẹ, mẹ mong con của mẹ khi ấy có thể lớn từng ngày rồi bình an thuận lợi ra đời để mẹ bế bồng, yêu thương, chăm sóc. Cha cũng thương con nhiều như mẹ thương, vì trong con có dòng máu của cha, có sự tiếp nối sinh mệnh của cha trên cuộc đời dài đằng đẵng này. Rồi đứa bé ấy sẽ được anh chị em ruột trong nhà thật thương, được cả ông bà nội ngoại cô dì chú bác quan tâm và mong mỏi đứa bé mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn.

Lần nào nghe “Nhật Ký Của Mẹ” cũng thấy thổn thức, lần nào cũng mủi lòng khóc khi lẩm nhẩm hát theo

Mẹ thương đứa bé ấy đến nỗi có thể hy sinh cả tính mạng, cả cuộc đời để đánh đổi sự bình an, hạnh phúc cho con của mình. Khi con cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc trái tim của mẹ ghi dấu mãi mãi khoảnh khắc thiêng liêng ấy chẳng thể nào quên. Một hành trình dài thật dài chăm sóc đứa bé lớn khôn, người mẹ nào cũng muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất, có món ăn ngon nhất cũng dành cho con, có tấm áo lành lặn mẹ cũng muốn con được mặc, rồi những lúc con ốm đau mẹ tìm cách chạy chữa. Cha cũng thương con nhiều lắm, nhưng có lẽ tình thương giữa mẹ – con được thấy rõ ràng hơn nên khi nhắc tới tình thương gia đình thì hình ảnh tình thương của mẹ gần gũi và được nhắc đến nhiều hơn.

Khi mình viết những dòng này mình mình nhớ đến “Nhật Ký của Mẹ” & “Cha và Con Gái” – hai ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được trình bày bởi Hiền Thục và Thùy Chi, lần nào nghe mình cũng xúc động tới khóc. Tình thương của mẹ cha lớn lao quá, thương con vô điều kiện mà không cần phải đáp lại, thương từ lúc con còn bé xíu cho đến khi còn lớn khôn đi làm và thậm chí là thương khi cả khi cha mẹ tuổi già sức yếu sắp lìa xa dương thế. Mình tin chắc rằng tình thương của cha mẹ chính là hành trang vững chắc nhất và an toàn nhất mà mỗi đứa trẻ đem theo trong tim mình khi bước chân ra đời để đi trên con đường trưởng thành của mình. Dẫu cho tình yêu gia đình có những lúc đầy đớn đau thì được thương vẫn là một niềm hạnh phúc mà nhiều người khát khao có được.

Mình nhớ lần đầu tiên nghe “Cha và Con Gái” mình đã khóc rất nhiều, khóc vì giữa bố và mình có nhiều “Racket” chẳng thể xóa nhòa được, hiện tại thì đỡ rồi nên khi nghĩ lại những thời điểm gian nan khi ấy mình thấy tự trách bản thân nhiều lắm…

Những đứa con cũng thương cha mẹ mình nhiều lắm, tình thương là nền móng cho đức tính hiếu thảo của nhân loại. Cũng giống như người đó được cha mẹ thương nhiều như thế nào thì họ sẽ thương con của mình như cha mẹ thương mình và khi đã là cha mẹ họ lại càng thương cha mẹ của mình nhiều hơn. Thương lắm những lúc cha mẹ đi làm khổ cực để kiếm tiền nuôi con mình, thương những lúc cha mẹ ốm đau mà mình chẳng thể lo được gì nhiều, cũng thương cả khi cha mẹ tuổi già sức yếu vì bệnh tật mà rời xa mình, cũng thương cả những hoàn cảnh “người đau bạc tiễn người đầu xanh”.

Tình thương gia đình quý giá lắm, nhìn thấy cha mẹ thương nhau và mình được họ thương như thế nào chúng ta cũng sẽ có mong ược được ai đó thương mình nhiều như vậy và mình cũng thương lại họ. Lúc này sẽ là cảm giác chúng ta thích một ai đó, tình cảm lớn dành thành tình yêu và thương nhau thật nhiều khi về chung nhà trở thành người thân của nhau. Mình nhìn thấy bố mẹ thương nhau nhưng bản thân vẫn không thể hình dung được chữ thương ở trong tình cảm nam nữ là thế nào, có chăng một ngày nào đó mình sẽ cảm nhận được, hoặc là chẳng bao giờ…

Mình thích hai từ “hoài thương” kinh khủng. Hoài thương là khi ta biết thương một người, thương tới nỗi nhìn thấy cả những điều tốt đẹp và những điều xấu xí của họ mà vẫn thương, lúc nào cũng muốn họ được vui vẻ, bình an, hạnh phúc không phải lo nghĩ hay vất vả điều gì. Hoài thương còn là thương hoài thương mãi, thương tới đến hết cuộc đời vẫn không dừng lại.

Thương ai đó và được thương lại, hoặc là được thương và thương lại ai đó chính là điều hạnh phúc nhất. Đúng, phải là tình thương hai chiều thì mới đáng để thương và thương trong trạng thái mãn nguyện, hạnh phúc. Vì tình thương đơn phương đến từ một phía thì thương mãi cũng trở thành sự đau lòng và tuyệt vọng. Còn chỉ biết nhận tình thương của một ai đó mà không cho đi thì lại thành kẻ ích kỷ chỉ biết sống bo bo cho chính mình.

Cô Như Quỳnh là người hát rất nhiều ca khúc mà mình rất thích, nhiều bài mình nghe từ nhỏ tới lớn mới thấm được ý nghĩa sâu sắc của nó, còn nhiều bài nhắc tới chữ Thương lắm mà tự nhiên trong đầu mình bật ra bài “Còn Thương Rau Đăng Mọc Sau Hè” đầu tiên vậy á

Sống ba mươi năm trên cuộc đời này mình không phải là “người được thương” và “người thương” hoàn hảo của một ai đó. Mình cũng có những vết xước sẹo xấu xí mà chắc chắn cũng có những lúc làm bố mẹ, em trai hay người nhà của mình thất vọng, chán nản và hoài nghi rằng “Ta có đang thương đúng người?”. Mình cũng sẽ có những lúc tệ hại để bạn bè cảm thấy mình thật đáng giận, đáng ghét. Mình cũng sẽ có nhiều lúc được nhận tình thương nhưng lại sống vô tâm, hững hờ và như thể vô ơn với những người mình cần mang ơn. Và mình cũng chưa được ai hoài thương như kiểu tình cảm nam nữ nên cũng chẳng cảm nhận được tình thương như thế này thì quý giá cỡ nào.

Nhưng dù sao thì thương nhiều, thương ít hay thương rồi mà hết thương… thì cũng vẫn gói gọi trong hai chữ “hoài thương”. Gom góp những tình thương mình đang có để giúp bản thân cảm thấy cuộc đời này thật đáng để sống và đáng để thương. Đừng tham lam quá về chữ thương, cũng đừng kỳ vọng gì hết, thương mình là đủ rồi, như vậy thì sống mới không mệt mỏi được.

Thương mình cũng là một chủ đề rất hay, Nguyệt dành thời gian để viết về hai chữ “Thương mình” này nha Nguyệt, viết xong rồi Nguyệt sẽ nhận ra là có những lúc Nguyệt không đủ thương mình đâu Nguyệt.

Ngày 20/1/2025

Thu Nguyệt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *