Những dòng ghi chép tản mạn trong nước mắt của một ngày thật buồn năm 2018 trên chiếc facebook phụ An Yên (giờ đã đổi tên thành Bình An).
Cuộc sống nếu như cây bút chì, làm sai thì cầm cục gôm tẩy đi một cái là lại sạch sẽ.
Nếu sống nhẹ nhàng hơn một chút thì vết tẩy ít để lại dấu vết, và còn có thể sẽ sửa sai được.
Sống tệ quá thì dù có cố tẩy đến mức nào đi chăng nữa thì cũng không sạch sẽ được, cũng giống như bị thương, vết thương theo thời gian thì sẽ lành nhưng sẹo thì vẫn mãi còn đó.
—
Ta học mãi sự lạc quan mà tại sao luôn chìm đắm trong đau khổ.
Ta học mãi sự vui vẻ, nhưng lại cứ hay buồn trong thâm tâm.
Ừ cũng chả sao, sinh ra người vui thì có người buồn mà. Chẳng may mình là người buồn thì cũng đành chịu.
Nguyệt có rất nhiều nỗi buồn, nguyên nhân có lẽ do mình là người nhạy cảm, hay nghĩ nhiều, dễ khóc
—
Người lớn nào cũng từng là đứa trẻ con, sạch sẽ, thuần khiết, nhưng càng lớn thì càng xấu xa đi ít nhiều. Làm sao mà bé lại được để mà sửa chữa những sai lầm và sống tốt hơn hiện tại.
—
Trẻ con hồi nhỏ mang trong mình những thứ tốt đẹp, biết đau, biết khóc, nhưng nó sẽ luôn tha thứ cho người làm đau nó. Nhưng tại sao càng lớn lại càng xấu xa, cái tốt thì không ghi, nhưng cái xấu thì luôn nhớ mãi.
—
Tại sao lớn rồi mà còn kém hơn một đứa bé? Sức chịu đựng còn tệ hơn cả đứa trẻ con, đau chỉ biết than vãn, buồn chỉ biết khóc, chứ không biết đường tìm vui như đứa trẻ con? Nó bị đau còn biết thổi phù phù cho bớt đau, không dám nói với mẹ sợ mẹ buồn. Nó biết tha thứ cho chị sau những trận đòn đau. Còn chị nó thì làm được gì nhỉ???
Bài này mình viết cho Minh Trung, cũng là viết cho chính đứa trẻ bên trong mình (inner child)
—
Trẻ con rốt cuộc sẽ phải ra ngoài xã hội, làm sao tránh khỏi những đau đớn mà người ta gây nên cho nó. Có chăng cái giá của sự trưởng thành là phải biết chấp nhận sống chung với những thứ không hạnh phúc, suôn sẻ.
—
Tại sao người ta chỉ thích mãi sự vui vẻ, mà luôn luôn bài xích sự buồn bã của con người. Là vì con người luôn muốn nhìn vào mặt tốt của người khác, mà không chịu nhìn vào mặt xấu của họ. Khi họ không được như cái mình muốn thì bảo rằng mình đã nhìn nhầm. Kỳ thực là chính bản thân ích kỷ không chịu nhìn vào sự thật đó mà thôi.
—
Xót xa là khi vừa mong đứa trẻ trưởng thành thật nhanh và hiểu chuyện, lại vừa mong nó cứ bé mãi để không phải trưởng thành, để không phải chịu nhiều khổ cực.
15/8/2018,
An Yên