Gần đây mình đang rèn thói quen viết lách, bao gồm cả viết tay và đánh máy. Quy trình sẽ là viết tay trên giấy trước, sau đó gõ lại bằng máy tính và phát triển thành bài dài để đăng lên blog.
“Lá thư đến từ Mặt Trăng” chính là series nhật ký dài kỳ mới nhất của mình, được thể hiện dưới hình thức một bức thư tâm tình (có thể là viết để gửi cho chính mình hay một ai đó) hoặc chút trải lòng vào đêm khuya mỗi ngày. Hy vọng thông qua những con chữ bé nhỏ này, mình có thể gói ghém cảm xúc buồn vui trong cuộc sống, ghi lại những trải nghiệm vụn vặt và để lại chút dấu ấn gì đó trên nhân gian.
Mình cũng đã chuẩn bị riêng một cuốn nhổ sổ để dành cho “Lá thư đến từ Mặt Trăng”. Không biết sẽ chăm chỉ viết đến khi nào, liệu rằng cuốn sổ ấy có được viết kín những con chữ của mình hay không, nhưng mình tin rằng cuốn sổ và chiếc blog này sẽ cùng mình trải lòng để vượt qua những ngày chông chênh của tuổi ba mươi.
Hà Nội, ngày 11/3/2025,
Gần đây mình có nhiều cảm hứng đề viết lại rồi, cảm giác nay thật sự rất đã. Nhưng thú thật thì khi buồn mình mới muốn viết. Vậy nên khi ai đó thấy mình viết nhiều, ấy là lúc mình có nhiều tâm sự ở trong lòng. Đùa xíu thôi, chứ làm gì đến nỗi buồn hoài buồn mãi, vì lắm lúc vui mình cũng viết mà. Ví dụ như đợt Tết Ất Tỵ vừa rồi nè, trong 30 ngày mình đã viết được 10 bài khi tham gia Challenge “Viết bài xuyên Tết”. Đã thế còn dành được phần thưởng vì là một trong hai người viết đầy đủ và nộp bài đúng hạn nhất. Nhưng mình dành tặng tiền thưởng đó cho hai người bạn đã khởi xướng ra Challenge này là Dương và Huy.
Mình mê chữ của mình lắm, nên mình cũng mê luôn việc viết tay
Thi thoảng mình vẫn viết trên blog, nhưng giờ muốn viết thêm trên giấy, giống như kiểu viết thư tay để gửi gắm chút tâm tình qua từng nét bút. Đã bao lâu rồi mọi người không viết lách trên giấy? Ý mình là viết văn, chứ không phải viết thiệp hay take note cuộc họp nha.
Chắc cũng khá lâu rồi hen, có lẽ là từ ngày chia xa ghế nhà trường nhỉ? Không biết với mọi người thế nào chứ với mình viết thư trên giấy là một trong những điều lãng mạn nhất thế gian. Dưới ngòi bút, những dòng tâm tình gửi trao ai đó dần hiện ra một cách rõ nét, lúc ấy mình cảm nhận cảm xúc khi viết thật sự rất dạt dào và khi đọc những bức thư tay, cảm giác bao giờ cũng dễ rung đông hơn hẳn…
Có những khoảnh khắc đẹp đẽ trong đời mình có thể sẽ quên, nhưng nếu lưu chúng lại bằng câu chữ thì những xúc cảm và rung động đó sẽ đọng lại lâu hơn chút. Đánh máy nhiều quá rồi, mình trở về với trang giấy trắng, về với chiếc bút bi nhiều màu, về với những nét chữ nguệch ngoạc.
Thư gửi “22”! – Từ “29” của năm 2024
Viết để thấy lòng “thuần khiết” hơn, tại viết tay dễ bị lắm, mà sai thì hong được “delete” như đánh máy, nên là để trang giấy không có lỗi sai thì phải viết thật nắn nót và cẩn thận cả về ý tứ muốn truyền tải, cách diễn đạt lẫn chính tả.
Vậy mới thấy khâm phục các tác giả ngày xưa. Lúc nhân loại chưa phát minh ra máy đánh, họ đã phải cặm cụi bao đêm ngày để miệt mài sáng tác chữ và truyền tải nội tâm, suy nghĩ trên trang giấy. Mỗi một tác phẩm là một công trình thực thụ, họ đã để lại cho đời những áng văn bất hủ ẩn chứ nhiều giá trị theo thời gian. Cái này mà cho mấy người trẻ như tụi mình làm thì chắc khó như lên trời nhỉ?
Viết đến đây, mình nhớ cô Bùi Huyền quá, đây là cô giáo dạy Ngữ Văn cấp 2 của mình, chữ cô đẹp lắm và khi cô giảng văn thì hay mê ly. Hồi đó cô khuyến khích mọi người nên có một cuốn cổ cá nhân để ghi chép những đoạn văn thơ hay. Hôm rồi dọn Zalo, nhìn thấy ảnh chụp cuốn sổ ấy mà mình vừa xúc động, vừa hoài niệm. Chữ viết khi ấy của mình cứ tròn tròn mập mập chứ không dài thòong như bây giờ. Mà hồi đó cũng chịu khó ghi chép với viết lách thiệt. Mình nhận ra rằng dẫu thời gian có trôi đi thì niềm say mê yêu thích với môn Văn của mình vẫn nguyên vẹn sau từng ấy năm.
Nhân ngày 8/3, viết chút tâm tình gửi trao Thu Nguyệt
Nhà phê bình văn học Maxim Gorky đã từng nói “Văn học là nhân học”, điều có có nghĩa rằng văn học chính là bộ môn nghiên cứu về con người. Thông qua những áng văn, vần thơ, chúng ta có thể khám phá, tìm hiểu sâu sắc về con người, về nội tâm, tình cảm, ước mơ, hoài bão, lẫn những mâu thuẫn, trăn trở trong họ.
“Văn chương tái hiện và phản ánh toàn bộ cuộc sống nhân loại. Nó giúp mình nhìn thấu tâm hồn, trái tim, và cả những góc khuất trong bản chất con người. Khi đến với văn học, ta thấy chính mình, thấy người khác, hiểu thêm những điều trước đây mình chưa từng biết” – Chia sẻ từ ChatGPT gửi cho mình.
Điều này mình thấy đúng lắm, lấy ví dụ về mình đi, nếu ai đó muốn biết về Nguyệt thì dễ lắm, chỉ cần đọc hết những bài Nguyệt viết là gần như hiểu được Nguyệt nghĩ gì rồi. Nguyệt không muốn nói dối trên những câu chữ viết ra. Bởi cuộc sống ngoài đời thực đã quá nhiều khó khăn, giao tiếp cũng chưa chắc thật lòng vì phải lựa lời mà nói, chỉ có viết lách mới là lúc mình sống thật với chính mình nhất. Ngay cả câu chữ, nhật ký, tâm sự cũng dối lòng thì mình sẽ cảm thấy thất bại và cô đơn lắm.
Vào một ngày không xa, mình sẽ dành tặng những lá thư tay thật nắn nót cho người mình thương
Viết lách chính là một nỗ lực đễ giữ gìn vẻ đẹp của Tiếng Việt. Chừng nào mắt ta còn đủ sáng, trí óc vẫn còn đủ minh mẫn, bàn tay vẫn đủ sức để cầm bút…, thì ta vẫn cứ viết và viết không ngừng. Viết để thấy lòng mình được sáng, để thấy muôn điều kỳ diệu giữa những con chữ mình viết ra.
Yêu viết lách, yêu Thu Nguyệt.
11/3/2025
Thu Nguyệt