“Các em hãy nghĩ tới hình ảnh của Unique 10 năm, 20 năm nữa thậm chí là 30, 40 năm nữa, khi chúng ta đã thực sự lớn mạnh và trở thành nơi tiếp nối của thế hệ F1 F2 là con là cháu của chúng ta. Con cháu chúng ta sẽ không phải vất vả đi kiếm nơi làm việc như thế hệ trước mà chúng sẽ kế thừa di sản để có một công việc tốt hơn, cuộc sống tốt hơn” – Mình gõ lại đại ý lời anh Linh nói trong cuộc họp với Leader team của Unique vào thứ tư tuần này.
Não của mình đã “tinh” lên một cái khi nghe anh nhắc đến hai chữ “Di sản”.
Nếu mà nói đến hai chữ di sản, mình lại nghĩ về sứ mệnh của mình khi đến với cuộc đời này, mà thôi, chữ sứ mệnh lớn quá, mình dùng từ mục đích sống thôi. Mục đích sống của mình đơn giản chỉ là trở thành một người tử tế sống tốt đời mình, phụ giúp cho gia đình, không gây hại cho xã hội, không thành gánh nặng phiền hà của bất cứ ai và yêu thương trân quý những người mà mình muốn yêu thương trân quý.
Để làm được điều đó thì cần phải học để có tri thức, cần phải làm việc để có sự nghiệp tạo ra thu nhập. Nghề trong muôn người thì vô số kể, làm nghề nào cũng được, lĩnh vực nào cũng được, vị trí nào cũng được luôn, miễn là có giá trị, có thu nhập để nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp vào sự phát triển xã hội.
Có người mang chí hướng lao sẽ chọn phát triển sự nghiệp bằng cách làm chủ, mở ra công ty để kinh doanh tạo lợi nhuận và mang lại công ăn việc làm cho người khác.
Có người chọn lĩnh vực đào tạo để đem lại kiến thức hữu ích cho cuộc đời, khai thông mở lối cho người khác.
Nhưng cũng sẽ có người chỉ muốn ở trong một tổ chức, một công ty để cống hiến giá trị và nhận về thù lao.
Mình thuộc nhóm sau, nói gần gũi hơn là mình chỉ thích đi làm thuê, không thích làm chủ, chưa bao giờ có ý định kinh doanh gì cả.
Vậy thì những người bé nhỏ như mình có thể để lại di sản gì cho cuộc đời này? Với mình thì hai chữ di sản lớn quá, vượt ngoài tầm với của mình vì rốt cuộc mình cũng không có năng lực tài cán gì để làm được những điều lớn lao. Ấy thế mà câu nói của anh Linh đã tác động mạnh mẽ tới mình, kiểu như lúc đó đầu mình “tinh” lên một cái, à đúng rồi hóa ra những người bé nhỏ như mình làm những nhỏ bé cũng có thể để lại một cái gì đó gọi là di sản cho thế hệ sau.
Giống như những việc mình đang làm cho công ty của mình hôm nay, giúp công ty lớn mạnh và sau này thế hệ sau của mình có thể kế thừa, tiếp nối để ngày một phát triển hơn nữa.
Ai sẽ là người yêu thương công ty nhất? Chắc chắn là người sáng lập và vận hành nó. Tiếp đó là những nhân sự trung thành. Và cuối cùng là những người nhận được giá trị từ công ty.
Khi chúng ta gắn bó đủ lâu và yêu quý công ty đủ nhiều ta sẽ muốn tạo ra di sản từ đó. Khi ý thức được tầm quan trọng của hai chữ di sản ta sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa để những thứ mình làm ra có giá trị cho sau này.
Những thứ chúng ta làm hôm nay chính là từng viên gạch nhỏ để xây dựng nền móng và tường thành cho di sản của mai sau. Từng kiến thức kinh nghiệm được học, từng khách hàng mang về cho công ty, từng dự án được thực thi, từng nội dung được sản xuất, từng giá trị hữu ích đem lại cho mọi người… đó chính là di sản.
Hãy làm việc với tâm thế đang tạo ra di sản, khi đó chúng ta sẽ ý thức được tầm quan trọng của công việc mình đang làm để làm nó tốt hơn, có trách nhiệm hơn, có giá trị hơn.
“Đòi hỏi ít đi, phụng sự nhiều hơn” – Khi đã có một tình yêu đủ lớn với công việc, một sự gắn bó đủ sâu với nơi đang làm và một khát khao muốn tạo ra di sản, bạn sẽ rất thấm ý nghĩa của câu này.