Mình từng xem review của “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” (tiếng Anh: Where the Crawdads Sing) trên Facebook Watch từ khá lâu, nhưng mãi đến hôm nay mới có dịp được thưởng thức trọn vẹn bộ phim trên Netflix. Một động lực nào đó khiến mình phải viết những dòng này để lưu lại cảm xúc và giãi bày nỗi lòng sau khi xem phim.
Trailer phim
Mình biết tại sao mình luôn đồng cảm với những bộ phim lấy chủ đề về bạo lực gia đình. Đúng vậy, chỉ những người đã từng trải qua hoặc từng tận mắt chứng kiến BLGĐ thì họ mới cảm thấy những thước phim ấy quen thuộc và gợi nhắc nỗi đau trong họ như thế nào.
Nhân vật chính của bộ phim là Kya – người manh biệt danh là “cô gái đồng lầy” – kẻ bị cả thị trấn xa lánh, ruồng rẫy cùng những lời đồn thổi vô căn cứ.
Những năm tháng tuổi thơ, Kya cũng có một cuộc đời hạnh phúc với gia đình gồm bố mẹ và các anh chị em của mình, họ sống trong một ngôi nhà nhỏ được xây giữa vùng đồng lầy mênh mông sông nước cùng với lối sống gần gũi với thiên nhiên.
Thế nhưng mọi thứ nhanh chóng bị phá hủy bởi men rượu và bạo lực gia đình. Mẹ của Kya bị cha cô ấy đánh đập không thương tiếc, bà chọn cách rời bỏ người chồng tồi tệ và để lại những đứa trẻ để ra đi một mình. Sau đó thì anh chị em của Kya cũng không thể chịu đựng nổi, họ lần lượt bỏ đi, chỉ còn cô bé ở lại với người cha, học cách sống chung và chịu đựng ông ấy. Rồi một ngày người cha cũng bỏ Kya mà đi, chỉ còn lại cô bé một mình bơ vơ, lẻ loi giữa đồng lầy rộng lớn và học cách sinh tồn một mình.
Kya dần lớn lên với bản năng hoang dã trong mình, luôn cảnh giác với tất cả mọi thứ xung quanh, cô gái bé nhỏ ấy ngày càng yêu mẹ thiên nhiên hơn. May mắn thay cô được vợ chồng bác Jumpin trong thị trấn giúp đỡ. Cùng với đó là Tate – chàng trai được xem là điểm sáng trong cuộc đời tối tăm của Kya lúc này. Tate dạy Kya chữ, giúp cô ấy biết đọc biết viết, Tate có chung sự đồng điệu trong tâm hồn với Kya khi cùng yêu quý thiên nhiên, có mối quan tâm tới những loài chim lông vũ, tán thưởng những tác phẩm đẹp đẽ của Kya và hơn hết là trân trọng cô ấy hết mực.
Ngỡ đã tìm thấy được người có thể nương tựa lâu dài, nhưng tệ thay Kya lại một lần nữa bị bỏ rơi khi Tate rời khỏi thị trấn để đi học đại học và theo đuổi những giấc mộng tuổi trẻ ngoài kia. Nỗi đau ấy cũng dần nguôi ngoai khi Kya được mẹ thiên nhiên chữa lành.
Nhiều năm sau Kya gặp Chase – người khiến trái tim Kya rung động một lần nữa, người mà cô ấy nghĩ là sẽ có một tình yêu đẹp như kiểu hoàng tử và lọ lem. Nhưng ai ngờ đâu ẩn dưới lớp vỏ hào hoa tử tế kia lại là bộ mặt của một kẻ sở khanh, đốn mạt, bạo lực và chẳng hề cô trọng Kya. Sau khi bị vạch mặt, Chase đã đánh Kya và cưỡng bức cô ấy, tất nhiên là Kya đủ sức để chống trả và cho hắn ta một trận. Nhưng đó cũng là lúc mà Kya cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết sự đáng sợ của bạo lực, cô gái đáng thương ấy cũng đã hiểu lý do vì sao năm xưa mẹ dứt áo ra đi khỏi người cha, bởi lúc này cô ấy cũng đang phải trốn chạy khỏi tên Chase điên cuồng kia một cách đầy bất lực.
Nhưng Kya là ai chứ, một cô gái kiên cường sống giữa đầm lầy hoang dã, sao có thể khoanh tay chịu thua tên Chase cặn bã kia. Một kế hoạch đã được lập ra và triển khai, đây chính là cú plot twist đỉnh cao của phim. Bằng một cách kỳ bí nào đó mà phim không nói rõ, chỉ biết là Chase bị trừ khử, Kya bị cảnh sát bắt và xét xử công khai, nhưng cô đã được bác luật sư già Tom Milton bào chữa.
Kết phim là Kya được tòa phán vô tội, sau đó cô ấy trở thành một nhà thiên nhiên học nổi danh với hàng tá tác phẩm đình đám, nối lại tình xưa với Tate và cùng già đi với người mà cô yêu sâu đậm nhất đời.
Cảnh cuối phim vô cùng xúc động, Kya lúc này đã già nua, bà nhìn thấy mẹ mình xuất hiện trên con đường nhỏ quay về nhà, Kya bỗng hóa bé thơ, rồi thành cô thiếu nữ năm nào, cô cất tiếng gọi Mẹ và ra đi trong sự thanh thản.
Nếu xem đến cuối phim sẽ còn một plot twist gây hoang mang nữa, nhưng mình tạm không bàn tới.
Điều mình cảm nhận được từ bộ phim chính là nỗi đau không thể nguôi ngoai từ bạo lực gia đình. BLGĐ chính là căn nguyên gốc rễ của mọi bi kịch, gieo rắc nỗi đau cho người lớn, phủ lên một màn sương đen tối cho cuộc đời của những đứa trẻ vô tội.
Bạn có cảm nhận được cảm giác bất an tột cùng của người vợ cùng những đứa con khi người chồng người cha của họ trở về trong trạng thái say xỉn, cáu kỉnh không? Có tưởng tượng được sự bất lực khi những đứa trẻ chứng kiến mẹ mình bị đánh, bị tát, bị đấm, bị đạp trong tiếng kêu la thảm thiết và sự van xin không? Có hiểu cho nỗi đau dứt áo ra đi của người mẹ, rồi lần lượt là những đứa trẻ nhỏ dại, liệu cuộc đời sẽ đi đâu về đâu nhỉ? Có thấu cho sự cô đơn đến cùng cực của người bị bỏ lại?
Khi gõ những dòng này bất giác mình ứa nước mắt. Mình nghĩ là mình khá ổn sau chừng ấy năm, khi mình đã ở phiên bản của năm 28 tuổi trưởng thành, tự lập và có đủ khả năng chống lại BLGĐ, nhưng mình biết những ám ảnh và tổn thương mãi luôn còn đó, nó giày vò mình mãi mãi, có lẽ là đến hết đời. Mình chẳng thể kể với ai tường tận những gì mình đã chịu đựng, vì dù sao nó cũng kéo dài lâu đến như thế, cũng như có những sự kiện đặc biệt trong quá trình ấy mà một lời khó có thể nói hết. Cũng chẳng có ai mình đủ tin tưởng cũng như đủ kiên nhẫn để mà nghe mình tâm sự, than vãn những lúc nỗi đau ấy bị khơi gợi lại, giống như lúc này chẳng hạn. Một số người quen có biết nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ, mình kể ra rồi lại hối hận vì để cho người ta biết yếu điểm của mình, nên giờ không dám kể nữa. Hoặc đôi khi mình lựa chọn tâm sự với một người vô cùng xa lạ vì họ chịu lắng nghe và không cần biết mình là ai để mà phán xét, đánh giá.
Điểm sáng trong cuộc đời khốn khổ của Kya là vợ chồng bác Jumpin tốt bụng, là luật sư già Tom Milton tìm mọi cách để bào chữa cho cô ấy, và đặc biệt là Tate. Tate yêu Kya nhất đời, yêu cả những tổn thương và khiếm khuyết của cô ấy, trân trọng Kya, cổ vũ và đồng hành Kya thực hiện ước mơ của mình.
Mượn một câu trích dẫn từ Vựa Chữ: “Khi con người ta mới quen nhau, đều có thói quen phô bày hết những điểm tốt của mình, nhưng tiếp xúc lâu ngày, các khuyết điểm sẽ dần bộc lộ.
Đến một ngày nào đó, bạn không còn phải mệt mỏi che giấu, mà đối phương cũng nhìn thấu hết con người bạn nhưng vẫn không rời xa bạn.
Đó chính là tình yêu.”
Lạc quan mà nói thì có đó, có nhiều ở ngoài đời là đằng khác. Hồi ở Nhà Bình Yên, có một cô kia cũng bị chồng bạo hành đã kể rằng con rể cô ấy hồi đầu là người chứng kiến gia đình cô xào xáo như thế nào, thấy cha vợ đánh mẹ vợ ra sao mà vẫn quyết tâm yêu và lấy con gái cô ấy. Hy vọng chàng rể ấy chính là người con gái cô ấy tìm, là người thấu hiểu, đồng cảm và cùng cô gái đáng thương ấy chữa lành những nỗi đau.
Về phần mình, mình có ổn thật hay không thì mình cũng chẳng biết. Chắc là chưa ổn khi mà mình vẫn chưa thể bình tâm được khi xem những bộ phim hay đọc những tin tức về BLGĐ, cũng như cuộc sống hiện tại cũng chẳng suôn sẻ, hòa nhã cho lắm. Tết này mình có một nỗi buồn và sự thất vọng to bự đang cất ở trong đáy lòng, nhờ chút câu chữ này giãi bày. Thương Trung khi phải bán hàng tới tận hết 30, rồi mùng hai bị bắt lên bán tiếp, thằng bé phải làm điều nó không thích, cũng giống như mình khi xưa vậy. Rồi vài năm nữa nó lớn, tự do tài chính, tự chủ cuộc đời như mình, sẽ chẳng ai có thể bắt ép nó được nữa.
Lướt Facebook những ngày này nhà nhà người người đoàn viên, họ chụp ảnh bên nhau vui vẻ, còn mình thì lọ mọ một mình với căn nhà. Mình vẫn hay nói mình rất hưởng thụ cảm giác được ở một mình, đúng, nhưng dù sao cũng không phải là những ngày Tết cần được sum vầy như thế này.
Nhưng ít nhất sự hy sinh của Trung, nỗi cô đơn của mình đổi lại cho mẹ được một tuần về ngoại ăn Tết được yên bình. Thật mỉa mai làm sao khi mấy năm trước những lần về ngoại là những lần trốn chạy trong lầm lũi. Quá nhiều lần mẹ bỏ đi như thế mình không còn nhớ rõ nữa, nhưng mình sẽ nhớ mãi sự kiện hè năm 2013 đó, khi mà 3 mẹ con đi tàu vào nhà ngoại, đúng 8 năm mới được gặp lại ông bà ngoại dì cậu và người quen trong đó kể từ khi chuyển ra miền Bắc lạnh lẽo thiếu hơi ấm này vào năm 2005.
Có lẽ với nhiều người việc ăn Tết nhà ngoại nó dễ dàng như một chuyến du lịch còn nhà mình thì muôn vàn cách trở. Nếu hỏi mình có oán hận không, có đó, rất nhiều là đằng khác. Mình đã cố gắng hiểu cho bố mình, nghĩ rằng ừ thì với bố mình cái đó nó không đau, không khổ, không cực nên bố nghĩ với người khác cũng vậy. Nhưng những người gia trưởng như bố mình chắc chẳng bao giờ hiểu cho người khác, chẳng biết được một điều rằng mỗi người sẽ có giới hạn chịu đựng khác nhau, việc bản thân mình muốn chưa chắc người ta đã muốn. Mình cố gắng lắm nhưng vẫn không thể lý giải nổi những chuyện như: vì sao cứ tiêu xài quá tay trong khi bản thân không dư giả và món đồ ấy nó không thật sự cần thiết; vì sao phải bắt con mình lên bán hàng đến tận 30 Tết rồi mùng hai lại bán tiếp trong khi Tết là lúc con cái cần nghỉ ngơi và Tết thì ai uống nước mà mở hàng bán làm gì; vì sao cứ phải dằn vặt vợ mình chuyện vào nhà ngoại ăn Tết – mẹ mình hầu hạ bố mình cả năm chưa đủ hay sao; vì sao cứ hay trút giận lên người khác, đánh con chó một cách dã man như vậy…
Vì sao và vì sao…
Vì sao mình lại sinh ra trên đời để chịu cái nghiệp này vậy, đến khi nào mình mới thật sự tự do, không vướng bận, không bị ràng buộc bởi những ám ảnh này để bản thân thật sự được giải thoát, được tự do và thực sự được hạnh phúc từ chính bên trong đây?
Đính chính lại thì đây không phải overthinking, bởi những người nghĩ nhiều thường buồn vô cớ và tiêu cực vô cớ, còn mình thì mình luôn nỗ lực hướng đến những điều tích cực, nhưng vui sao nổi khi hằng ngày cứ phải nghe mẹ than thở hoặc chứng kiến người nhà mình khổ như thế nào.
Mình không tự ti về bản thân mình, vì mình biết những thứ mình có của hiện tại là quá tuyệt vời rồi, và điều tuyệt vời nhất chính là việc mình đã vượt lên trên những nghịch cảnh để được như ngày hôm nay. Nhưng mình luôn đau đáu về gia đình, nghĩ đến những nỗi đau của quá khứ rồi những biến cố chực chờ xảy đến trong hiện tại và tương lai, mình thấy mình thật bất ổn làm sao.
Đôi khi ước có người bên cạnh để chia sẻ, nhưng đôi khi lại cứ muốn một mình mãi mãi, vì dù sao đáng sợ nhất chính là việc phụ thuộc tình cảm vào người khác, vui đấy rồi buồn mấy hồi, đặc biệt là với những người ủy mị, dễ khóc như mình nữa. Không ai chết khi sống thiếu một người cả, rồi thời gian sẽ chữa lành mọi nỗi đau, nhưng lâu hay mau thì khó nói lắm.
Gõ xong bài này mình chính thức thức trắng đêm vì không ngủ được, chắc chiều nay lỡ uống ly cà phê đậm đặc quá đà, pha tới 3 gói thì ai chịu cho thấu.
Đợi mùng 4 mới dám khai bút viết những dòng này, vì sợ đầu năm buồn thì cả năm sẽ buồn, khổ nỗi mình chỉ có cảm hứng viết lúc cảm xúc của mình bên bờ chơi vơi mà thôi.
5h15p ngày 25/1/2023.