Đáng nhẽ đây sẽ là một bài viết thật dài và chỉn chu để đúc kết, chia sẻ lại những gì mình đã học được từ Landmark Forum trong 3 ngày vừa qua (7/7 – 9/7), nhưng mình biết cái gì không soạn luôn thì sẽ hết hứng và ngâm lâu thì mất nhiệt, nên với bài viết này mình sẽ đăng luôn những gì vừa chia sẻ trên facebook.
Nếu đọc được bài viết này, hãy nhấc máy gọi điện cho bố mẹ để nói con thương bố mẹ, cảm ơn bố mẹ thật nhiều…
Trong khóa học Landmark Forum diễn ra vào 3 ngày qua, có một thử thách mà mình đã thấy rất rõ là nó đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người, có cả những người đầu đã hai thứ tóc, thậm chí tóc bạc còn nhiều hơn cả tóc đen, đó chính là gọi điện cho bố mẹ để giải quyết những khúc mắc trong lòng, hay đơn giản chỉ là để nói con thương bố mẹ, con cảm ơn bố mẹ thật nhiều.
Vời thử thách này, mình cũng đã gọi, nói nhiều, nhưng mình không khóc. Không phải không xúc động, mà là bởi mình đã gỡ bỏ được cái vướng mắc (Racket) đó một thời gian rồi, chính xác từ hồi sinh nhật năm ngoái.
Còn nhớ sinh nhật năm ngoái mình viết một bài rất dài, lúc đó mình cũng đã chữa lành một phần nào đó, bởi mình học cách chấp nhận những chuyện đã xảy ra, chấp nhận bố mẹ như cái cách họ đã từng. Sáng sớm sinh nhật mình gọi điện cho cả mẹ lẫn bố, chỉ để nói rằng con cảm ơn bố mẹ nhiều vì đã sinh ra con, con thấy được bố mẹ đã vất vả như thế nào trong chừng ấy năm. Thậm chí còn chưa nói được câu gì đã khóc, và bố mẹ còn bảo mình đang nghĩ linh tinh chuẩn bị làm điều gì đó bậy bạ. Nhưng đơn giản là mình xúc động vì lần đầu tiên trong đời mình dám nói là mình thương bố mẹ và biết ơn vì những gì bố mẹ đã làm, đã sinh mình ra, đã bôn ba kiếm sống và đã luôn coi mình là động lực sống của bố mẹ.
Và mình để ý là từ chia sẻ của mọi người trên Forum, hầu hết là đến 99% bố mẹ đều cảm thấy sốc khi nghe con mình nói yêu thương và cảm ơn mình, có người có phản ứng như kiểu “Mày khùng/dở hơi hả con?”, nhưng sau tất cả là sự vui sướng tới ngỡ ngàng, họ sẽ đáp lại bằng một lời dặn dò “Ừ bố mẹ biết rồi, bố mẹ cảm ơn con, con ráng ăn uống giữ gìn sức khỏe, làm bớt việc thôi nhé…” Dù có nhiều người tự khẳng định là mối quan hệ của họ với ba mẹ rất tốt, bổn phận chữ hiếu luôn làm đầy đủ, nhưng mà bố mẹ vẫn rất hạnh phúc khi được nghe con mình nói yêu thương và cảm ơn mình.
Hãy dũng cảm nói lên điều đó, bởi dù chỉ nói một lần, ngượng một lần, xấu hổ một lần là bạn sẽ có dũng khí để nói tiếp nhiều lần sau đó, như mình chẳng hạn, và mặc dù không nói nhiều, nói thường xuyên, nhưng chắc chắc vào những dịp quan trọng của năm sẽ nói để được cảm thấy hạnh phúc. Và những bố mẹ trẻ cũng hãy dạy con nói ra những lời này từ tấm bé, ráng duy trì điều đó cho đến khi con lớn đi rồi để cả cha mẹ và con cái đều dễ dàng nói lời yêu thương nhau. Kể cả chọn bạn đời cũng thế, nói yêu thương, cảm ơn nhau mỗi ngày và thường xuyên là một điều rất quan trọng, đừng xem nó là nghi thức hay là sự sến sẩm, vì suy nghĩ đó đã tước đi những lời nói yêu thương tốt đẹp dành cho nhau.
Còn Racket là những điều không mong muốn trong cuộc sống nhưng nó vẫn cứ luôn tồn tại ở đó dai dẳng không biến mất. Ví dụ như Racket với gia đình, đặc biệt là với cha mẹ chẳng hạn. Thú thực là đến giờ mình vẫn nghĩ gia đình mình luôn có chuyện, ừ thì nó luôn có đó, nó cũng không mất đi hoàn toàn, bởi gia đình ai mà chẳng có chuyện, nhưng quan trọng là khi lớn lên mình nhìn nhận lại tuổi thơ như thế nào, thấy được sự thay đổi của gia đình ra sao và tìm cách giảng hòa, chữa lành với gia đình, với tuổi thơ của mình. Hay là Racket đối với công việc, là tại sao mình luôn cảm thấy khó khăn khi giải quyết mối quan hệ với đồng nghiệp, nhân sự, tại sao có những thứ tồn tại khiến đôi bên không hiểu nhau, để rồi dẫn đến việc kết quả công việc không như ý muốn và mối quan hệ bể tan tành.
Lấy ví dụ cho Racket bằng một câu chuyện gia đình chẳng hạn. Tôi có một cái Racket với cha tôi vì ngày xưa ông ấy đã từng không tốt thế này thế kia, tôi lấy nó làm là lý do để oán giận, chán ghét, thậm chí là chối từ ông ấy mỗi khi ông ấy muốn lại gần hay bù đắp cho tôi. Tôi cũng lấy nó làm lý do để đổ lỗi cho gia đình, cho tuổi thơ không hạnh phúc của mình, tôi đem ra để bào chữa cho những hành vi nóng giận, cộc cằn, thô lỗ của mình khi lớn lên. Thế nhưng chính cái Racket này là thứ khiến tôi bỏ lỡ rất nhiều niềm vui trong cuộc sống, bỏ lỡ cả những điều tích cực mà đáng ra tôi được đón nhận từ cả gia đình, bố tôi và mọi người, nó khiến tôi trở thành một người không hạnh phúc, thiếu sự vẹn tròn và mãn nguyện
=> Vậy buông bỏ Racket bằng cách nào? Hay nói cách khác là Hoàn tất mối quan hệ với cha mẹ. Đầu tiên là chấp nhận quá khứ đã xảy ra, chấp nhận tất cả mọi thứ như nó vốn vậy, có thể tìm lý do để cảm thông (kiểu như bố mẹ là người không hoàn hảo, họ cũng là lần đầu làm cha làm mẹ và họ không có tấm gương sáng nên họ đã lỡn làm sai), và sau đó là không lôi quá khứ ra để làm điều bám chấp và dằn vặt, không để tiếng nói nhỏ trong đầu khơi gợi những điều tiêu cực. Sự hoàn tất với cha mẹ chính là sống tốt đời mình và cho họ biết điều đó. Sự hoàn tất này khiến cho đời mình trở nên thanh thản hơn rất nhiều.
Và thêm một điều nữa là “Sự mê tín” (Supperstition) – Là niềm tin bám chấp vào một điều gì đó có vẻ vô căn cứ. Bạn có thói quen nhìn vào hành động một vài lần và phán xét một ai đó là toàn bộ y như vậy không, để rồi biến nó thành định kiến cá nhân và quy chiếu lên người một ai đó.
Lấy ví dụ như thế này: một nhân sự của mình vô tình làm sai sót một vài thứ, chưa kỷ luật trong một vài việc, quên làm một task được giao, nhưng thường thì nhân sự đó dễ bị đánh giá là người thiếu chi tiết, kỷ luật mà không đánh giá toàn bộ quá trình nỗ lực của người đó. Tất nhiên thì sai là sai, không tìm cách để bào chữa, nhưng thay vì phán xét một cách mang đầy định kiến cá nhân thì hãy khéo léo hơn để giúp nhân sự đó tìm thấy mặt tốt của mình và phát huy nó, thay vì chì chiết những cái chưa được của em ấy.
Hoặc là bạn nhìn thấy bố mình nóng tính, nhưng có thực sự là ông ấy dành cả cuộc đời để nóng tính không? Thế những lúc ông ấy dịu dàng yêu thương bạn thì sao, những lúc chở bạn đi học, những lúc nấu cho bạn đồ ăn ngon hay là động viên bạn những khi khó khăn… Vậy thì thay vì nhận định mang đầy “Supperstition” rằng “Bố tôi là người nóng tính”, có thể thay đổi thành “Thỉnh thoảng bố tôi hiện ra trong tâm trí tôi người nóng tính”, nó sẽ dễ dàng để chấp nhận, thấu hiểu hơn rất nhiều.
Ngoài ra thì cuộc đời này có rất nhiều điều tệ hại, nó tác động đến chúng ta khá nhiều, chắc chắn nó chính là những Racket dù không muốn nhưng vẫn tồn tại kia. Nhưng sướng hay khổ nằm ở cách ta nhìn nhận và đón nhận nó. Nếu cứ vơ lấy về mình tất nhiên là sẽ khổ, bởi suy cho cùng mình khổ vì mình chứ ai, nó đâu có cầm dao kề cổ bắt mình phải khổ, vậy thì khổ để làm gì, đằng nào sự cũng xảy ra rồi, ráng tìm thấy điểm sáng từ đó và chuyển hóa khổ thành sướng.
Ồ trên đây là chỉ là một vài thứ nho nhỏ mà mình đã vỡ ra sau Forum đấy, còn nhiều điều nữa…
Là bởi vì, mình cùng anh Nhân Lê đã dành trọn 3 ngày đêm cuối tuần vừa rồi để tham gia Landmark Forum từ 9h sáng tới 11h tối. Lịch chương trình dày đặc, những kiến thức trừu tượng giống như triết học, phải căng tai ra để nghe, và đôi lúc thấy stress vì cảm thấy quá khó hiểu, nhưng đến khi kết thúc rồi, ngồi xâu chuỗi lại từ trên xuống dưới mới thấy mọi thứ của Forum là được thiết kế có chủ đích, từ cái này nó dẫn đến cái kia, lý giải vì sao nó như thế, vì sao nó như vậy. Và đặc biệt là người giảng huấn (cô Joy) không gọi đây là khóa học, vì người tham gia không phải để học một kiến thức gì đó mà là để khám phá, khai phóng ra một điều gì đó từ chính bản thân mình.
Và mình biết là cần phải ôn tập lại và thực hành thực sự để có được sự chuyển hóa và khai mở đúng nghĩa, bởi không phải ai sinh ra cũng đã có được “Căn tính” (Identity) một cách tích cực, vậy nên đó cũng là lý do và là cơ duyên mà anh Phạm Ngọc Linh trao tặng cơ hội tham gia Forum cho mình và cho anh Nhân.
Anh Linh nói anh muốn em tham gia để trở nên hạnh phúc hơn, đến giờ phút này em chưa dám nói là mình thực sự hạnh phúc sau khóa học, nhưng nó giúp em vỡ ra được nhiều thứ, hoàn tất được một vài điều quan trọng trong cuộc sống, rồi dần dần em cũng sẽ trở thành người hạnh phúc đúng nghĩa, và em biết anh sẽ thật sự mừng vui vì điều này.
Em vô cùng biết ơn anh ạ, cảm ơn anh vì đã giúp em có được cơ hội ý nghĩa này. Và em rất muốn được chia sẻ nó đến mọi người, giống như cách anh đã chia sẻ với tất cả nhân sự của Unique trong chuyến đi Tây Thiên ngày hôm ấy, chia sẻ bằng sự nhiệt thành của mình mà không quan tâm đến “Sự cân nhắc” được/mất, có được đón nhận/hay không đón nhận đón nhận. Sau khi tham gia xong em đã hiểu trọn vẹn những gì anh nói về Tiếng nói nhỏ hay là Thái độ đón nhận mọi việc. Thực sự vô cùng biết ơn và cảm ơn anh vô cùng ạ.
Ngoài ra thì dưới bài viết mình có tag những người mình thực sự muốn chia sẻ và lan tỏa tới họ khóa học này. Thực ra điều này không phải để mời bằng được ai đó cùng tham gia (kiểu giống như đa cấp), mà nó đơn giản chỉ sự thực hành cho việc chia sẻ điều gì đó một cách nhiệt thành và đầy cảm hứng cho người khác mà không cần phải cân nhắc (Considerations) quá nhiều thứ như kiểu sợ bị từ chối, sợ phán xét, sợ đánh giá thôi.