Hôm trước mình có đọc được bài viết “Bị hack Facebook và sự vô thường của cuộc sống ảo” trên blog mà mình yêu thích và thường xuyên theo dõi, cộng thêm một vài việc, một vài người gặp được trong thời gian gần đây, tự nhiên ngẫm ra cuộc đời vốn dĩ đã vô thường, mạng xã hội ảo và những người bạn ảo còn vô thường hơn đến thế, vô thường đến… bẽ bàng.

1. Mạng xã hội cho ta những gì?

Khi công nghệ lên ngôi, đời sống con người thêm phần thú vị hơn rất nhiều, Internet mở ra chân trời mới trước mắt mà chỉ cần vài thao tác đơn giản là ta có thể tìm kiếm bất kỳ thứ gì trên đó để phục vụ cho hàng tá mục đích như biết thêm thông tin đời sống, học tập, vui chơi, giải trí, kết nối cộng đồng… vân vân và mây mây.

Trong số đó thì mạng xã hội chính là một trong những phát minh có thể nói là tuyệt diệu nhất của Internet, nơi chúng ta có thể kết nối với bất kỳ ai, thông qua nhiều phương thức và mức độ tương tác. Nhẹ nhàng thì có thể âm thầm theo dõi, cập nhật đời sống của họ, thân thiết hơn thì kết bạn, giao lưu, hoặc gần gũi hơn nữa là trò chuyện tâm tình.

Mạng xã hội giúp con người xích lại gần nhau hơn theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Những người đã có sự quen biết qua lại ở ngoài đời khi kết bạn trên mạng xã hội thân lại càng thêm thân. Những người chưa thân lắm thì có thể sử dụng mạng xã hội để theo dõi thói quen của họ, từ đó tìm ra những chủ đề họ đang quan tâm, thích thú để trò chuyện và dễ dàng ghi điểm hơn. Những người bạn, họ hàng bị mất liên lạc cũng có thể tìm thấy nhau nhờ mạng xã hội để tiếp tục mối duyên xưa… Thậm chí là những người xa lạ không có bất kỳ mối liên hệ nào cũng có thể trở thành những người bạn thân thiết trên chính cả mạng xã hội lẫn ngoài đời thực…

Chưa kể tới mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho những công việc khác như kinh doanh, xây dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh cá nhân, thu hút công chúng… hoặc cao hơn nữa là chính trị, văn hóa, kết nối toàn cầu, kêu gọi từ thiện hay là liên quan tới cả chiến tranh và hòa bình… Nói tóm lại là mạng xã hội có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống con người.

2. Mạng xã hội đã thao túng ta như thế nào?

Chẳng nói đi đâu xa, bản thân chúng ta dùng mạng xã hội là để phục vụ cho công việc, phương tiện liên lạc với mọi người, giải trí, cập nhật tin tức đời sống, học tập… Thật khó để rời bỏ mạng xã hội, vì chúng quan trọng và hữu ích với chúng ta biết nhường nào. Chúng ta chỉ tạm ngưng sử dụng nó trong một số trường hợp bất khả kháng như: mất mạng cục bộ, nền tảng bị sập/lỗi, hỏng thiết bị truy cập… chứ ít khi tự ngắt kết nối chính mình với mạng xã hội, trừ phi gặp đả kích gì quá lớn muốn trốn đi đâu đó một thời gian mà thôi.

Vô hình trung ta bị phụ thuộc vào nó quá nhiều và khó lòng mà dứt ra được. Ví dụ như mình, mình cũng sử dụng mạng xã hội với tổng thời gian và tần suất vô cùng cao trong một ngày, dần dà mình cảm thấy bị chi phối bởi nói.  Điều này gây ra “hội chứng Fomo” (Fear of missing out), có nghĩa là khi ngắt kết nối ta sẽ sợ mình không biết chuyện gì xảy ra, bản thân sẽ để lỡ điều gì đó quan trọng. Hoặc là trong lúc mình offline sếp bất chợt giao việc gì đó cho mình hay sao, hay là mình offline thì bạn bè mình muốn tìm mình kiểu gì… Có vô vàn tình huống bất lợi mà mình đã nghĩ đến khi một ngày nào đó mình muốn ngắt kết nối với mạng xã hội. Nhưng thực chất thì mọi chuyện không hề nghiêm trọng như mình vẫn nghĩ. Ngắt thì ngắt, chả có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra cả, không update tình hình trong vài ngày mình vẫn có thể sống tốt, còn offline vài ngày đi nữa thì cũng chẳng ai tìm mình đâu, còn muốn tìm thì họ sẽ có cách tìm qua phương thức khác chứ không nhất thiết phải là mạng xã hội.

Chẳng nói đi đâu xa, 3 ngày mình đi Iron Team hồi cuối tháng 9, đi lặng lẽ chứ cũng không thông báo trên mạng xã hội (vì vốn dĩ mình cũng có phải là ai đó quan trọng hay nổi bật gì trên mạng xã hội cho cam đâu), mình ngắt kết nối với bên ngoài trong ba ngày đó, ngoại trừ bố mẹ biết, công ty mình biết ra thì coi như chẳng ai biết. Và đúng như mình dự đoán, bật mạng lên thì cũng chỉ có thông báo liên quan tới công việc (Fanpage) chứ cũng chẳng có một tin nhắn nào hỏi thăm tại sao Nguyệt không up story trong ba ngày qua, không comment gì trên Facebook…

Hoặc trước kia hay là gần đây cũng có người bạn mới quen nói chuyện vài tuần với tần suất cao nhưng bất chợt ngắt kết nối với bạn vài ngày, thì bạn cũng ngắt với mình luôn, cho đến khi mình chủ động liên hệ lại. Bao nhiêu lần và bao nhiêu người như thế rồi? Mình cũng quen rồi, có gì lạ đâu.

3. Sự vô thường của mạng xã hội ảo và những mối quan hệ ảo

Chơn Linh viết rằng “Không chỉ trong đời thực bạn mới chứng kiến sự vô thường của kiếp nhân sinh qua sinh – lão – bệnh – tử, cuộc sống trên mạng ảo cũng không khác gì”, bởi bạn ấy phải trải qua tình huống tồi tệ nhất khi sử dụng mạng xã hội là bị hack tài khoản, không chỉ một lần mà tới tận ba lần. Bạn mất hết những gì từng gầy dựng trên mạng xã hội bao gồm những fanpage cá nhân và liên quan công việc, một vài mối quan hệ khó kết nối trên mạng xã hội đó. Linh nhận ra rằng hóa ra bạn ấy cũng không phải là người quá quan trọng gì trên nền tảng Facebook, có thể bạn ấy từng được một lượng độc giả yêu mến và theo dõi, nhưng rồi khi bị hack Facebook, biến mất trên mạng xã hội trong một thời gian cũng chẳng có mấy ai nhận ra sự vắng mặt của bạn ấy. (Mình cũng thế chứ nói gì ai, cho đến khi nhìn thấy email thông báo bài viết mới nhất từ blog của bạn mình mới vỡ lẽ ra). Linh nói đúng, trên mạng ảo thì sự hiển diện của những con người nhỏ bé như chúng ta quá mờ nhạt, mọi người chỉ nhớ đến khi còn đang “nói dở” câu chuyện với bạn, hoặc là cần bạn tham gia một vài dự án nào đó của họ. Suy cho cùng thì mối quan hệ trên mạng ảo cũng chỉ là ảo, hoặc thậm chí đã là thật cũng dễ dàng thành ảo, nhạt nhòa và kém chất lượng.

Mình chợt nhớ lại những người bạn đã từng nói chuyện thâu đêm suốt sáng trên mạng xã hội, đã từng rất thân tới nỗi dốc cả ruột gan phèo phổi để tâm sự, từng gọi điện chỉ để òa khóc kể cho nhau nghe trong nỗi tấm tức, cũng từng gọi điện để chia sẻ những niềm vui, thành công đã đạt được. Nhưng rồi sao chứ, chẳng hiểu vì lẽ gì mà bỗng một lúc nhìn lại mối quan hệ ấy đã thành nhạt nhòa, không tương tác cũng không nhắn tin, gọi điện nữa. Hoặc có những người vẫn trò chuyện nhưng nhạt dần rồi thưa vắng, tới nỗi lâu lâu bỗng nhớ ra để nhắn tin thì đều hỏi “Dạo này anh/chị/bạn thế nào, có gì mới không?” một cách đầy khiên cưỡng, giả vờ quan tâm. Cũng có những người ngỡ đã có những mối quan hệ sâu sắc hơn rất nhiều (tạm gọi nó là mập mờ đi cũng được) nhưng rồi cũng thành người dưng, unfollow hoặc unfriend nhau.

Đúng như bản chất của mạng xã hội, dễ kết nối thì dễ tan vỡ, cái gì dễ có được quá thì người ta không trân trọng và không lưu tâm. Và thử nghĩ mà xem một tài khoản Facebook có hàng trăm hàng nghìn bạn bè, hàng trăm cái Fanpage, Group hiện lên Newfeed, và cứ mỗi giây lại cập nhật một tin tức mới, vậy thì bạn là ai, bạn chiếm bao nhiêu quan trọng đối với Facebook của người ta mà đòi hỏi họ phải nhớ đến. Có chăng chỉ có ai thật sự là thân thiết và coi bạn là quan trọng đối với họ thì họ mới để tâm tới bạn mà thôi.

Mình tự hỏi lòng mình có buồn không, có tiếc không? Có chứ, nhưng vì nó biến mất một cách từ từ, lặng lẽ trong vô hình nên cái cảm giác buồn tiếc nó cũng rất nhẹ nhàng, chỉ lâu lâu gợn sóng trong suy nghĩ một chút. Có muốn nối lại mối quan hệ không? Không, vì cái gì đã nhạt, đã lỡ đánh mất thì có cố hàn gắn hay níu kéo cũng chả được, đôi khi cũng cần học cách buông tay thôi, không nên cố chấp.

4. Những điều mình cần làm

Vì mạng xã hội là rất vô thường, biết chừng đâu đó một ngày nó sập, một ngày mình bị hack nick giống như Linh thì sao, nên có phương án dự phòng trước thôi.

Một là đọc kỹ series bài hướng dẫn bảo mật của bạn ấy để setup các thứ các kiểu phòng trừ cho chính mình.

Hai là xây dựng account facebook phụ song song với account chính để back up, khi bất trắc có thể bỏ ra sử dụng. Hơi mất công một chút nhưng mà nó khá là cần thiết đấy, đến lúc mất nick thì bạn sẽ thấy cái việc mất công xây dựng phương án back up nó còn chẳng nhọc nhằn bằng cách đi lấy lại cái đã mất.

Ba là những người quan trọng với mình sẽ cố gắng lấy phương thức liên lạc khác của họ để liên hệ nếu cần. Mình rất sợ cái cảm giác là bạn nhưng chẳng biết gì nhau ngoài cái Facebook ảo, mất nick một cái coi như mất bạn, hoặc ngắt Internet một cái là khỏi liên hệ luôn. (Viết đến đây thật sự là mình cảm thấy gợn trong lòng vô cùng ứng xử của cái đứa kia ghê. Trùng hợp là dạo này mình có một vài người bạn mới trên mạng xã hội, cùng là bạn mới quen nhưng đứa thì hồn nhiên gửi ảnh chụp đơn hàng không thèm che thông tin, đứa thì che cẩn thận quá cẩn thận, có thể vô ý hoặc cố tình, nhưng những tiểu tiết này mình nhận ra hết, nó đánh giá mức độ tin tưởng hay không tin tưởng nhau đấy).

Bốn là mình cũng để lại phương thức liên hệ dự phòng của mình cho những người quan trọng. Trước mắt là SĐT cá nhân, email, địa chỉ, xa hơn nữa là SĐT của mẹ hoặc bố để tìm mình khi cần. (Vì sao cần có cái này chắc sẽ chia sẻ sâu hơn trong một bài viết khác).

Tóm lại là,

Bớt phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội, vì dù sao nó cũng chỉ là phương tiện để ta làm việc, liên lạc với người khác và là công cụ giải trí giúp cuộc sống bớt phần nhàm chán hơn. Không có nó thì vẫn có nền tảng khác để làm việc, liên lạc, giải trí.

Cũng bớt kỳ vọng lại ở những mối quan hệ trên mạng xã hội, không cần dành quá nhiều cảm xúc cho họ, đến thì vui nhẹ nhàng, ra đi thì cũng gợn lòng một chút rồi thôi. Vì là mình chẳng rõ gì về cuộc sống thực tại của họ, nên nếu họ hoặc là mình biến mất khỏi mạng xã hội thì cũng đón nhận với một tâm thế hết sức thoải mái. Hy vọng không đến nỗi thù ghét ai hay làm gì khiến ai thù ghét, hoặc là bị tổn thương gì gì đó để rồi phải dùng đến phương án cực đoan là block nhằm khiến họ/mình biến mất khỏi mạng xã hội của nhau.

Và cuối cùng, sau tất thảy mọi nỗ lực, hãy học cách chấp nhận mọi thứ như vốn dĩ nó phải xảy ra và cần xảy ra vậy.

1h33p, rạng sáng ngày cuối cùng của năm, 31/12/2022.

Nguyệt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *