Bài viết kể về dăm ba suy nghĩ cỏn con của một người “không thích nói nhiều” nhưng lại “hay lải nhải”.
Đã rất lâu rồi mới dành thời gian viết chút gì đó cho bản thân vì cứ mải mê viết cho công việc, chiếc blog này lập ra mà ghé vào danh sách bài viết toàn là những bài nháp dành cho công việc (bài SEO, bài dịch, bài chủ đề mới, ý tưởng lạ…). Hồi mới lập blog mình từng vô tư nghĩ rằng mỗi ngày viết một bài, buồn vui gì cũng viết, hãy xem nó là nhật ký ghi lại cảm xúc và chuyện thường nhật, nhưng rồi mình chẳng làm được vì quá lười, và vì chuyện này không được mình ưu tiên trong List – to – do của mỗi ngày. Thực ra với người làm nghề viết, viết là một việc rất quan trọng, vì điều này có thể trau dồi vốn từ và khả năng viết lách trôi chảy hơn, đồng thời khiến bài viết có cảm xúc, chứ không phải là những con chữ vô hồn. Vì vậy mà có lẽ mình nên chăm chỉ rèn luyện viết lách hơn để tốt cho công việc cũng như tốt cho cảm xúc của bản thân.
Đêm qua trong lúc cảm xúc nhích dần đến sự hờn giận, mình đã viết ra đôi dòng như thế này: “Con người mình ít nói, thường không thích nói quá nhiều chứ đừng nói chi tới việc nhai đi nhai lại việc nào đó. Nhưng cuộc đời xô đẩy, lại gặp phải người cứ khiến mình phải nói quá nhiều, nói đi nói lại và khiến mình giận dữ, trở thành kẻ xấu. Đôi khi việc phải nói nhiều cũng khiến mình cảm thấy cạn kiệt năng lượng quá”. Rồi mình lại để ở trong lòng chẳng đăng đi đâu vì lâu rồi không muốn than thở và cũng thật khó để giãi bày ra với ai đó.
Một em mèo mặt quạu diễn tả tâm trạng của mình
Có đôi khi việc tìm ra chủ đề để nói chuyện với người khác khiến mình cảm thấy khó khăn, mình phải nghĩ 7 7 49 lần mới tìm được ra câu để nói, và khi nói xong rồi lại vẫn nghĩ “Ồ mình nói vậy có đúng không nhỉ, có lố hay là vô duyên, hay là có khiến người khác cảm thấy khó chịu không?” Thật là mệt mà, sống đừng quá phức tạp như vậy, đơn giản đi có lẽ tốt hơn nhiều nhỉ, thích thì nói, không thích thì im lặng, dù sao đó cũng là tính cách của mình, cứ cố gắng phải thể hiện khác đi để làm chi, đúng không nào?
Tạm thời gác lại cái chuyện không muốn nói nhiều, thì nhiều năm gần đây mình có lẽ đang vướng phải tình trạng nói nhiều nhưng chẳng đạt được điều chi. Trong gia đình, mình từng bực tức vì nói đến lần thứ ba, thứ tư Minh Trung không chịu làm, từng nổi quạu chửi té tát vì có những việc đáng lẽ là của em ấy nhưng mình phải bận tâm và phải coi nó như nghĩa vụ của mình để phải nhắc nhở em ấy vì tính hay quên, lại không cẩn thận. Đợt này ôn thi học kỳ 2 lại có lẽ là lúc mình stress thêm ít nhiều vì nhắc hoài mà em không chịu học, trong khi điểm kém.
Tương tự trong nhiều chuyện khác, mình cảm thấy cạn kiệt năng lượng khi bộ não và trí nhớ của mình cứ phải nhớ, phải quan tâm, phải để ý quá nhiều chuyện, mà mình biết bản thân mình không cần thiết phải làm điều đó, nó chỉ là những tiểu tiết vặt vãnh thôi mà, nhưng kỳ lạ thay mình vẫn cứ phải quan tâm. Mọi người thường thấy mình hay thể hiện tính cách giận dữ, nhưng ít ai biết rằng ít nhất trong 1, 2 lần đầu tiên mình đã nhắc trong sự nhẹ nhàng với suy nghĩ “Ồ nó chỉ là một lỗi sai nhỏ nhỏ, sửa xíu là xong thôi mà”. Nhưng đến lần thứ n cho chính lỗi đó và những lỗi tương tự vẫn vậy mà mình phải nhắc quá nhiều thì khó lòng không nổi giận được. Và mình lại thành người lải nhải, tệ nhỉ.
Cảm thấy kiệt sức vì những điều không như ý muốn
Bàn về những chuyện sâu xa hơn đi, người có tính lải nhải luôn là tuýp người khó có thể được người khác yêu thương. Đơn cử như chuyện gia đình, những người lải nhải dễ khiến người khác nổi quạu vì họ nói nhiều, lặp đi lặp lại một chuyện. Càng là những người xuề xòa (đôi khi cẩu thả, vô ý vô tứ) thì càng ghét người khó tính, hay lải nhải, cáu gắt. Và ngược lại người lải nhải sống chung với người cẩu thả thì lại càng lải nhải nhiều hơn. Chúng ta là những người đứng ngoài cuộc, thấu rõ bản chất của hai loại người này và đều thống nhất đưa ra phương án giải quyết là nên “dĩ hòa vi quý”, hai người cần thay đổi bản thân để dung hòa được với nhau, người ‘cẩu thả’ hãy chịu để tâm hơn một chút đừng sống quá vô ý vô tứ nữa, còn người ‘lải nhải’ bớt nói nhiều nữa đi, bao dung hơn, biết đặt địa vị của mình vào người kia để thấu hiểu cho cái khó của họ đồng thời nói lời ngọt nhiều hơn, đừng dùng ngôn từ làm vũ khí khiến người khác đau khổ. Tuy nhiên thì không phải lúc nào cũng có thể dĩ hòa vi quý mà sống, vì thế mà có những cặp đôi không thể thay đổi được bản thân, dẫn tới xu hướng chia tay để đi tìm tuýp người tương tự và phù hợp hơn với mình.
Nếu gia đình có thể chịu đựng nhau tốt hơn, khó có thể tách rời nhau hơn, thì ngược lại trong công việc, sự chịu đựng chỉ có thể ở một mức độ nào đó. Và vì sự ràng buộc không cao, người ta không có lý gì phải chịu đựng nhau như người nhà, dẫn tới vì sao có sự chia tay, người đi – người ở lại, hoặc cả hai cùng đi sau những sự bất hòa đến không thể cứu vãn nổi. Vì vậy trước khi để mâu thuẫn thêm nặng nề, hãy tìm cách giải quyết nó.
Dù là trong bất cứ mối quan hệ nào, mình cũng đều cảm thấy có phần bế tắc. Với gia đình, mình không thể ngừng lo lắng cho người nhà, có những việc mình muốn người đó làm vì điều đó tốt cho hơn và quan trọng hơn cả đó là nhiệm vụ họ phải làm, và nếu họ không làm được mình sẽ thấy bất an vô cùng. Mình có đôi khi ước chia bớt một phần sự cẩn thận, sự chịu khó cho em trai mình để em ấy tốt hơn. Nhưng rồi mình chợt nghĩ những cái gì liên quan tới đức tính và thành bại của con người là do tôi luyện không ngừng mà thành, sẽ chẳng có ai tặng cho bạn những thứ tốt đẹp, nếu như bạn không tự ép, tự rèn chính bản thân mình vào khuôn khổ. Với công việc, mình cũng vậy, mình sẽ chẳng thể nào yên lòng nếu như mình biết còn cái ảnh chưa làm ổn, còn bài viết viết chưa được, hay là KPI đặt ra nhưng không thể hoàn thành… và cả những điều mình đã nhắc nhở nhưng rồi chẳng được giải quyết đến đâu.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu mình bỏ mặc tất cả, liệu có tốt hay hơn không? Từng có khoảng thời gian mình cũng mặc kệ tất cả, không quá quan tâm đến chuyện khác, chỉ chuyên tâm cho việc của bản thân, nhưng rồi hậu quả là sai khá nhiều, phải đi sửa lại khá mệt. Điều đó khiến mình hối hận trong một khoảng thời gian rất dài.
Đôi khi bỏ mặc là tốt nhưng cũng có đôi khi tệ hơn
Trên đời này không có ai là hoàn hảo, cũng như không có ai là quá tồi tệ. Cái cần làm là mỗi người hãy thay đổi bản thân để sống chung với nhau tốt hơn, vì suy cho cùng mọi mối quan hệ trong xã hội này là cộng sinh, sẽ rất khó để bạn sống một mình mà không gắn bó với một ai đó, sẽ rất nhọc nhằn để làm việc một mình mà không cần hợp tác với ai. Chỉ mong thời gian có thể khiến chúng ta thông suốt, hiểu được nỗi khổ và cái khó của nhau, dìu nhau đi qua những lần xung đột và tiến tới một mục tiêu chung cao hơn.
Thu Nguyệt
Ngày 26/12/2021